Đã quá lâu để game thủ có thể nhớ đến siêu trộm Garett, tựa game đặt nền móng cho thể loại hành động lén lút. Sau 10 năm ẩn danh, “siêu trộm thần thánh” đã được Square Enix ra mắt trở lại. Nào hãy reivew để xem Thief phiên bản 2014 có thành công như những series tiền nhiệm.
Hơn 10 năm kể từ phiên bản Thief cuối cùng được công bố, Square Enix đã khởi động lại dòng game này với cái tên ngắn gọn là Theif
Hiếm có series danh tiếng nào phải chịu ẩn mình trong bóng tối lâu hơn Thief. Đã 10 năm trôi qua kể từ phiên bản cuối cùng Deadly Shadows, ngày 25/2 vừa qua dòng game tiếng tăm này mới chính thức trở lại, nửa dưới dạng reboot, nửa dưới danh nghĩa một phiên bản kế tiếp và được đặt cái tên rất đơn giản là Thief.
THÔNG TIN GAME:
- Phát hành: Square Enix
- Phát triển: Eidos Montreal
- Thể loại: Hành động lén lút
- Ngày phát hành: 25/02/2014
- ESRB: Mature
GIỚI THIỆU GAME:
Vô số những thay đổi đã diễn ra trong khoảng thời gian một thập kỉ vắng bóng Siêu trộm. Studio gốc Looking Glass đã giải thể và trọng trách phát triển được đặt lên vai Eidos Montreal, tác giả của siêu phẩm Deus EX: Human Revolution; thiên hướng thiết kế cũng như thị hiếu của làng game thế giới giờ đây đã thay đổi rất nhiều so với những năm đầu của thế kỉ 2; đặc biệt, một dòng game khác đã nổi lên như là ứng cử viên nặng kí thắp sáng tiếp "ngọn đuốc" stealth action của THIEF cho thế hệ console tiếp theo, đó là Dishonored. Ngần ấy đổi thay báo hiệu một màn "hồi sinh" không suôn sẻ chút nào cho THIEF, và thực tế cũng đã cho thấy những quan ngại ấy là hoàn toàn có cơ sở.
Game thủ vẫn tỏ ra quan ngại về sự thành công của Thief
Giống như các phiên bản THIEF trước, người chơi một lần nữa nhập vai Garrett, bậc thầy trộm cắp của thành phố Trung cổ (mang tên "The City") đang chịu ách thống trị của tên bạo chúa độc đoán Northcrest. Một năm trước đây, vụ trộm bất thành của Garrett và cô "đồ đệ" bất trị Erin ở dinh thự của Northcrest dẫn đến cái chết bí ẩn của Erin, làm Garrett mất hết toàn bộ kí ức trong khoảng thời gian một năm sau đó, và khiến cả thành phố bị một loại dịch bệnh kì lạ có tên "The Gloom" vây hãm. Sau khi hồi tỉnh, Garrett nhanh chóng bị cuốn vào cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại tên bạo chúa, cuộc săn lùng những kẻ chịu trách nhiệm cho trận đại dịch bệnh cũng như lỗ hổng trong trí nhớ của anh, kẻ thù lớn nhất của những tên trộm ở The City - Thief-taker General - và dĩ nhiên, ma lực không thể cưỡng nổi của những hầu bao rủng rỉnh tiền vàng.
Xét về trọng tâm lối chơi, bản reboot lần này vẫn giữ lại rất nhiều những nhân tố quan trọng của bộ ba THIEF trước đây. Người chơi vẫn sẽ dành phần lớn thời gian len lỏi trong bóng tối, quan sát vòng tròn ánh sáng ở góc trái bên dưới màn hình để biết mình có đang ẩn nấp an toàn hay không. Vòng tròn chỉ có màu đen đồng nghĩa với việc bạn và bóng đêm đang hòa làm một, còn vòng tròn chuyển sang màu trắng thì hẳn nhiên là bạn đang "trần trụi" dưới ánh sáng và có thể gặp rắc rối bất cứ lúc nào.
Thief phiên bản 2014 là sự kết hợp mới lạ từ series 3 phần trước đó
Âm thanh vẫn đóng một vai trò quan trọng khi muốn tránh bị phát giác và cả những khi người chơi muốn nghe lén những thông tin có giá trị xung quanh The City. Đây vẫn là một tựa game khuyến khích game thủ lục tung mọi ngõ ngách để tìm những công tắc giấu kín, những lối đi bí mật và để tránh những cái bẫy chết người. THIEF vẫn thúc giục người chơi mở tung mọi ngăn kéo và tủ đồ, mở cửa khám phá mọi căn phòng, "cuỗm" hết tất cả những vật dụng vàng, bạc có giá trị từ nhỏ đến lớn dù nguy cơ bị phát hiện luôn lơ lửng trên đầu. Song cùng với gameplay quen thuộc Eidos Montreal cũng không quên đem đến một loạt những sự đổi mới để giúp Garrett dễ "thích ứng" hơn với thể loại stealth action hiện đại.
Garrett nay đã "già" hơn 10 tuổi, nhưng
"gừng càng già càng cay", thời gian chỉ càng khiến cho Siêu trộm trở nên dẻo dai và nhanh nhẹn hơn. Bằng cách giữ phím
Shift và nhấn
Space khi cần, giờ đây Garrett có thể nhảy vượt qua tường, phóng mình qua những mái nhà, leo dây và "bứt tốc" trên những đường phố u ám. Mặc dù cơ chế free running học hỏi từ series Assassin's Creed này chỉ là một trong số vô vàn những tính năng hiện đại mà Eidos Montreal đưa vào bản reboot, đây có lẽ là tính năng mới hữu dụng nhất và cũng khá phù hợp với phong cách của Garrett. Một tên trộm với nguyên tắc
"không giết chóc trừ khi thực sự cần thiết" rõ ràng cần phải biết lúc nào nên tăng tốc rời khỏi "hiện trường".
Một vài tính năng đặc sắc của dòng Assassin's Creed được đưa vào trong Thief khá tài tình
Hai sự bổ sung gây nhiều tranh cãi nhất trong THIEF có lẽ là
tính năng Focus và Swoop.
Focus (kích hoạt bằng phím F) cho phép Garrett nhìn ra những đồ vật có thể tương tác được của môi trường xung quanh cùng với các NPC và những vật dụng có giá trị. Ngoài ra, kích hoạt Focus còn làm thời gian trôi chậm hơn để Garrett có thêm thời gian cạy khóa cửa hoặc đánh gục lính gác khi đấu tay đôi. Trong khi đó,
kĩ năng Swoop giúp Garrett trượt dài trên mặt đất một khoảng xa mà không gây ra tiếng động. Mặc dù một vài game thủ tỏ ra khá hào hứng với hai kĩ năng này, phần lớn trên các diễn đàn các ý kiến đều cho rằng Focus và Swoop mang nặng tính "cầm tay chỉ lối" cho những tân binh của dòng game và chỉ khiến cho THIEF trở nên ít thử thách hơn.
Một vài thay đổi khác nữa cũng không thực sự được lòng các fan gạo cội của series THIEF như: Biểu tượng chỉ đường đến mục tiêu, hai cột đo lượng "máu", Focus cần phải dùng vật phẩm để "đổ đầy", hệ thống nâng cấp nhân vật, dùng tiền vàng thu được từ các nhiệm vụ trong game để đổi lấy những thứ như tăng khả năng sát thương cho cây cung của Garrett, tăng số lượng cung tên được mang theo hoặc giảm thiểu thương tổn cho nhân vật khi rơi từ trên cao xuống. Những nâng cấp này không đến mức thừa thãi nhưng quả thực chúng cũng chẳng cần thiết chút nào, đặc biệt là các nâng cấp liên quan đến sức chống chịu sát thương cho Garrett bởi người chơi đang đóng vai một tên trộm chứ không phải một chiến binh. Nhiều nâng cấp trong số này hoàn toàn không bắt buộc và những game thủ không bỏ vàng ra mua chúng vẫn có thể hoàn thành game một cách trọn vẹn.
Có nhiều nâng cấp tỏ ra hơi thừa thải
Hệ thống chiến đấu trong game cũng đã trải qua một vài sự tinh chỉnh nhất định. Trong những phiên bản trước, những pha đánh gục (takedown) chỉ được phép thực hiện khi các NPC hoàn toàn không biết có sự hiện diện của bạn ở phía sau. Mạo hiểm đối đầu với những tên lính gác đã phát hiện ra bạn thường sẽ kết thúc bằng... một cái chết rất nhanh và êm ái cho nhân vật chính.
Mặc dù ở lần trở lại này Garrett chưa biến thành một cỗ máy giết chóc như Corvo Attano, Ezio Auditore hay Agent 47, anh cũng đã học thêm được một số "chiêu trò" mới khi bắt buộc phải đánh "giáp lá cà". Giờ đây Garrett có thể nhanh nhẹn né những nhát kiếm của địch thủ và đánh trả bằng chiếc dùi cui ngắn của anh cho tới khi biểu tượng cho phép kết liễu kẻ địch hiện lên trên màn hình. Cử động của cả hai "đấu sĩ" trông đều khá thô kệch và buồn cười trong những tình huống này; Garrett thì vô cùng "pha lê", có thể gục ngã chỉ sau vài ba nhát chém, nhưng dù gì thì đây vẫn là một bước tiến lớn so với cơ chế chiến đấu vụng về trong những phiên bản trước.
Hệ thống phản đòn ở Thief là một sự cải thiện đáng kể so với người tiền nhiệm
Tất nhiên, cách nhanh và an toàn nhất để chiến thắng một trận đấu trong THIEF vẫn là... lủi đi hoặc tấn công bất ngờ từ trong bóng tối. Hãy luôn nhớ rằng trò chơi này mang tên là THIEF chứ không phải Assassin; bạn có thể xử lí một tên địch không vấn đề gì nhưng từ hai tên trở lên và bạn nên chạy đi là vừa! Mỗi màn chơi trong game sẽ kết thúc với các chỉ số thống kê dựa trên cách mà game thủ đã chơi, gần giống với một tựa game stealth action khác ra mắt cách đây chưa lâu là Splinter Cell: Blacklist. Bạn đã chơi theo kiểu Ghost, khéo léo len lỏi qua các đối thủ, không bị chúng phát giác dù chỉ một lần? Bạn là một "Kẻ cơ hội" (Opportunist) thích sử dụng môi trường làm lợi thế? Hay bạn là một Predator, sẵn sàng đánh gục hay giết hại bất cứ kẻ nào ngáng đường Garrett? THIEF cho phép người chơi tự do lựa chọn phong cách chơi phù hợp với mình và sự linh hoạt đó cũng là một trong số những điểm mạnh nổi bật nhất của trò chơi này.
Khả năng tự tùy biến trải nghiệm của game thủ không dừng lại ở ba phong cách trên. Màn hình trực diện HUD và các mức thiết lập độ khó cũng có thể được tùy chỉnh, và đây có lẽ là việc mà những người chơi đam mê thử thách cũng như các fan "ruột" của THIEF sẽ làm đầu tiên sau khi cài đặt trò chơi. Game có ba mức thiết lập độ khó cơ bản - Rogue, Thief, Master - và mỗi mức thiết lập này đều có thể được tùy chỉnh theo ý muốn. Bạn không ưa tính năng Focus ư? Tắt nó đi. Không có hứng thú với việc nâng cấp nhân vật? Vứt bỏ nó đi. Muốn trò chơi giống với những phiên bản THIEF cổ điển hơn? Tắt bỏ cơ chế lưu game ở giữa mỗi màn chơi đi và chỉ cho phép takedown đối thủ từ phía sau. Muốn THIEF trở thành một cuộc chiến "cân não"... không dành cho người yếu tim? Hãy bật chế độ chơi lại từ đầu chapter mỗi khi bị phát hiện (nên nhớ mỗi chapter kéo dài xấp xỉ một giờ đồng hồ).
Các fan muốn tái tạo lại màn hình HUD quen thuộc của những phiên bản trước có thể tắt bỏ những thứ "râu ria" như các thanh đo Life và Focus, các biểu tượng tương tác xuất hiện trên màn hình, ánh sáng nhấp nháy của những món đồ giá trị và cả minimap nữa. Biểu tượng chỉ đường là thứ đặc biệt nên được tắt bỏ đi ngay lập tức. Game thủ nên chơi THIEF một cách chậm rãi, nên khám phá tất cả mọi thứ. Nếu chỉ đơn thuần chạy từ điểm A tới điểm B, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều. Tuy nhiên công bằng mà nói, đi "lan man" khỏi con đường dẫn tới nhiệm vụ theo cốt truyện chỉ là việc nên làm khi bối cảnh trong game đủ hấp dẫn để thuyết phục bạn, và trong suốt quá trình chơi THIEF, The City đã không làm được điều đó. Đây là điều hết sức bất ngờ, bởi hãng phát triển Eidos Montreal đã từng thiết kế nên Deus EX: Human Revolution, một tựa game được ca ngợi hết lời bởi phong cách xây dựng màn chơi cũng như thế giới mở rất khéo léo và chi tiết.
Dù The City giờ đây trông đã lộng lẫy hơn nhiều với sự trợ giúp của nền đồ họa tân tiến, thành phố này vẫn bị bao trùm bởi sự thiếu chiều sâu và trống rỗng. Trước khi bắt đầu mỗi nhiệm vụ chính người chơi có thể tự do khám phá The City, đột nhập vào các căn hộ, cướp bóc, khám phá những bí mật, làm nhiệm vụ phụ - tất cả thoạt nghe thì có vẻ rất lôi cuốn nhưng thật không may đã lại vướng phải vấn đề mà phiên bản Deadly Shadows trước đây từng gặp: Tận dụng engine kém.
Đồ họa engine trên Thief là một điểm trừ lớn trong mắt game thủ
Bởi THIEF là một game đa hệ, được phát hành cho next - gen nhưng đồng thời lại phải giảm tải sao cho phù hợp cả với cỗ máy Xbox 360 nên những đường phố của The City vô cùng chật hẹp, bị sắp đặt lung tung, phải loading quá nhiều mỗi khi muốn chuyển sang khu vực khác, có quá ít bóng dáng cư dân ngoài lính gác và những kẻ ăn mày và quá đỗi một chiều trong khâu thiết kế. Rất nhiều cánh cửa không thể mở ra được (một số thì chỉ mở được khi nhận nhiệm vụ phụ), nhiều lối đi sang khu vực khác của thành phố không được game đánh dấu và không có những lựa chọn khác (chẳng hạn như fast travel) để người chơi di chuyển xung quanh dễ dàng hơn.
Vô số những căn hộ mà game thủ đột nhập bất hợp pháp trong The City đều tỏ ra đơn điệu như nhau. Chẳng có cảm giác gì là có người ở trong đó cả và trộm cắp dễ dàng như vậy thì chẳng... thú vị chút nào. Tương tự là nơi ở và làm việc của chính Garrett, một tháp đồng hồ bỏ hoang. Người chơi sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập những món đồ quí hiếm mà anh đã đánh cắp được cùng một chiếc giường và vài rương đồ, nhưng chẳng có gì cho ta biết thêm về tính cách hay quá khứ của Garrett cả. Tòa tháp vẫn hoạt động nhưng hoạt động một cách vô thức, chỉ đóng vai trò một điểm dừng chân giữa mỗi nhiệm vụ chính khi muốn cất một vài trang thiết bị hoặc ngắm nhìn kho của cải bất chính của mình.
Người chơi có thể dễ bị nhàm chán khi thực hiện những nhiệm vụ “tựa tựa” nhau
Khoảng giữa game, người chơi sẽ có chuyến "viếng thăm" bất trắc tới nhà thương điên Moira. Màn chơi này là phiên bản tái hiện lại của Shalebridge Cradle, trại mồ côi cháy trụi trong THIEF: Deadly Shadows. Bất chấp những giới hạn của công nghệ đồ họa thời điểm đó, Shalebridge Cradle, cùng với Ravenholm của Half-life 2, được xem là hai trong số những màn chơi đáng sợ nhất từ trước tới nay trong các tựa game không thuộc thể loại kinh dị. Nhưng màn chơi này đáng nhớ không chỉ bởi những khoảnh khắc sợ hãi mà còn bởi câu chuyện chứa đựng trong đó. Eidos Montreal xứng đáng nhận được những lời khen ngợi khi đã cố gắng dàn dựng lại một phiên bản mới nơi Moira Asylum để đem lại cảm giác thân thuộc cho các fan của series THIEF, tuy nhiên so sánh với Shalebridge và tính bi thảm của nó, Moira Asylum thực sự tỏ ra lép vế. Một vài pha hù dọa giật nảy mình được game làm rất tốt, nhưng màn chơi này, cũng giống như phần còn lại của thành phố The City, chẳng có cốt truyện gì cụ thể cả.
"Chẳng có cốt truyện gì cụ thể cả" có lẽ là điểm trừ lớn nhất của phiên bản THIEF reboot. Xin đừng hiểu lầm, tựa game này có phần cốt truyện như đã mô tả bên trên, chỉ là cốt truyện đó không hấp dẫn mà thôi. Về cơ bản thì người chơi có thể rút ngắn nó lại thành "nhân vật phản diện muốn kiểm soát một thế lực siêu nhiên để chiếm đoạt The City". Và mặc dù những phiên bản trước đây của series cũng đôi lần vấp phải khiếm khuyết này, chí ít chúng cũng biết cách sắp đặt những truyền thuyết và nhân vật thú vị xung quanh cốt truyện đơn giản ấy.
Theif không tồn tại một cốt truyện cụ thể, điều này khiến cho game thủ mơ hồ
Bản reboot lần này đã dẹp đi toàn bộ những yếu tố cốt truyện sáng tạo từng làm nên tên tuổi cho dòng game THIEF. Bạn sẽ không được gặp lại những phe phái Hammerite, Pagan hay Keeper nữa. Bạn sẽ không nhìn thấy Mechanist với những con robot chạy bằng hơi nước đáng sợ của họ nữa. Thay vào đó, THIEF của Eidos cố gắng tạo dựng một câu chuyện mang hơi hướng riêng tư hơn xoay quanh Garrett và Erin, nhưng bởi bản chất của Garrett dĩ nhiên chẳng thể phát triển hơn là bao ngoài việc trộm cắp và một vài nguyên tắc cá nhân khác nên vô hình chung lối dẫn dắt câu chuyện của game lại trở nên tẻ nhạt.
Khi bi kịch đổ ập lên đầu Erin ngay từ những phút đầu tiên trong game, thật khó để cảm thông cho cô bởi người chơi gần như chưa biết gì về cô hay Garrett cả, đặc biệt nếu bạn lại là một "lính mới" của dòng game này. Những nhân vật phản diện trung tâm trong game thì xuất hiện quá ít (nhiều nhất là Thief-taker General nhưng tên này cũng chỉ "lên hình" khoảng... sáu lần, chủ yếu là ở cuối mỗi màn chơi để gây khó dễ cho Garrett), chính bởi vậy động cơ gây tội ác của chúng gần như không được lí giải rõ ràng.
Có quá ít nhân vật phản diện xuất hiện trọng game
Có một bước ngoặt cốt truyện hiếm hoi ở gần cuối game đáng ra phải gây bất ngờ lớn cho người chơi nhưng rốt cuộc có lẽ tất cả những gì bất ngờ ở nó chỉ là nó xoay quanh một nhân vật đã vài chapter rồi không thấy có mặt. Có thể tên của hắn đã được đề cập tới một vài lần trong những bản ghi chép đặt rải rác xung quanh các màn chơi, nhưng dựa vào những mẩu giấy này để truyền tải những ý chính của cốt truyện tới game thủ? Có vẻ không phải là một cách làm hay ho cho lắm.
Chưa dừng lại ở đó, phiên bản THIEF trên PC lại trở thành một nạn nhân nữa của những lỗi vụn vặt về điều khiển nhân vật vì được phát hành song song với console. Nhìn chung giúp Garrett "xoay sở" bằng chuột và bàn phím không khó khăn cho lắm và game sắp xếp nút bấm keyboard cũng khá tốt, nhưng Thief có vẻ như vẫn "chuộng" sử dụng gamepad hơn và điều này vô tình làm nảy sinh hai vấn đề.
Việc sử dụng Gamepad trong hệ thống điều khiển khiến game thủ nảy sinh hai vấn đề
Thứ nhất: Chỉ cần bấm E để núp vào các góc tường và nghiêng (lean) trái, phải. Đúng là giản lược kiểu này sẽ giúp bỏ bớt đi hai nút lean trái, lean phải riêng biệt, nhưng dường như game "quên" mất là nút bấm E được sử dụng cho hầu hết mọi hành động trong game, nên 10 lần bạn bấm E để lượm lấy một vật phẩm thì có đến 7 lần Garrett lại... núp sau cạnh bàn, hoặc khi bạn muốn núp sau một cánh cửa đang mở thì Garrett lại với tay đóng cánh cửa ấy lại, khiến bạn bị lộ một cách dở khóc dở cười.
Vấn đề thứ hai: Nhảy. Phiên bản THIEF lần này, như đã nói, vận dụng phong cách free running nên nút bấm nhảy cũng bị giản lược. Nếu game được thiết kế bình thường thì đã chẳng nói làm gì, nhưng Garrett lại có thể leo dây và sự xuất hiện của dây lại khiến game gặp trục trặc. Nhiều lúc người chơi muốn với lên một sợi dây ở phía trên đầu chỉ vài centimet nhưng cũng không thể, hoặc muốn nhảy xuống một gờ tường dưới thấp nhưng lại... bay sang mái nhà bên kia và chết lãng nhách. Đó là những khiếm khuyết không đáng có, lẽ ra đã có thể được giải quyết rất đơn giản chỉ với những nút bấm lean và nút bấm nhảy.
Game thủ có thể bị chết một cách lãng nhách với hệ thống phím bấm không hợp lý này
Ít nhất thì THIEF cũng còn một điểm gỡ gạc đáng chú ý là
đồ họa, đặc biệt là trên PC và hai hệ máy next - gen. Vân bề mặt trông rất thật, khói và sương mù rất thuyết phục và có độ "đặc", khuôn mặt các nhân vật đều được thiết kế khá chi tiết và hiệu ứng lửa (điểm đặc biệt mạnh của Unreal Engine 3) thì không chê vào đâu được - lửa trong game lan một cách hết sức tự nhiên trên các bề mặt dễ cháy. Mảng âm thanh củaTHIEF cũng tương đối xuất sắc với giọng lồng tiếng chất lượng cho "ê kíp" nhân vật và nắm bắt hiệu quả những hiệu ứng âm thanh như tiếng mưa rơi hay tiếng bước chân lạo xạo trên thủy tinh.
Khía cạnh đáng lưu tâm còn lại là AI cũng được game đầu tư khá ổn: Lính gác biết đốt lại những ngọn đuốc bị tắt, đôi khi không bị mắc bẫy đánh lạc hướng của người chơi, biết thay đổi lộ trình tuần tra, đánh động những lính gác khác xung quanh khi thấy có sự bất thường. Mặc dù vậy trí thông minh nhân tạo của THIEF đôi khi vẫn mắc phải những vấn đề "khó đỡ" như xoay vòng vòng xung quanh hay "vui vẻ" bỏ lại những đồng đội đã bị đánh gục sau khoảng thời gian báo động nháo nhác ban đầu. Chúng cũng tự dưng trở nên "mù đặc" mỗi khi người chơi ở phía trên cao và không biết trèo lên cao hay đuổi theo người chơi vào những khu vực chật hẹp. Đôi lúc có cảm giác như game thủ đang phải chơi lại một phiên bản THIEF của năm 1998 vậy.
Thief 2014 chưa thực sự đầu tư nên nhiều game thủ hoài cổ như đang chơi phiên bản 1998
Với tình hình chung khá "hẻo" của thể loại stealth action hiện nay trên thị trường, có thể nói THIEF vẫn là một game có chất lượng không tồi. Nhiệm vụ chủ yếu của phiên bản reboot lần này là tái hiện lại cảm giác thích thú lẫn hồi hộp khi len lỏi trong bóng đêm, móc túi lính gác, bẻ khóa, đột nhập và cướp bóc,... những gì đã từng khiến game thủ cảm thấy như được nhập vai một siêu trộm thực sự trong ba phiên bản đầu tiên thìTHIEF đã hoàn thành xuất sắc, và đó là điều quan trọng nhất. Đồ họa, âm thanh của trò chơi đều tương xứng với công sức đầu tư cho một tựa game bom tấn và với tổng cộng 9 chapter cùng gần 30 side quest,THIEF hứa hẹn sẽ tiêu tốn của bạn không dưới 15 giờ chơi.
Thật đáng tiếc, những thiếu hụt nghiêm trọng về cốt truyện, bối cảnh cũng như một vài hạt sạn không đáng có khác đã kéo tụt giá trị của lần trở lại rất được trông đợi này. Một sản phẩm chỉ dừng lại ở mức "có chất lượng không tồi" thì chưa thể khôi phục lại được ánh hào quang xưa cũ. Đó là điều hết sức đáng tiếc, bởi biết đâu chỉ cần thêm một vài tháng ẩn mình chỉnh trang trong bóng tối nữa thôi cho tới khi mọi thứ thật sự sẵn sàng, đây đã có thể là một sản phẩm hoàn hảo.